Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới
Khoảng hai thập kỷ gần đây, truyền thông quốc tế nhiều lần vinh danh Ẩm thực Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 22 trong danh sách 100 nền ẩm thực ngon nhất thế giới do các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp và khách quốc tế bình chọn (công bố bởi Taste Atlas, 2023); Hà Nội được vinh danh "Điểm đến thành phố ẩm thực tốt nhất châu Á năm 2024" trong lễ trao giải World Culinary Awards tại Dubai, UAE. Đây là lần thứ hai liên tiếp Hà Nội được vinh danh tại sự kiện này, sau khi nhận giải "Điểm đến thành phố ẩm thực nổi bật nhất châu Á 2023"... Trong bối cảnh toàn cầu hoá và chuyển đổi số, ẩm thực bản địa Việt Nam không chỉ đứng vững mà còn chiếm ưu thế vượt trội. Vậy có bí quyết gì trong văn hoá ẩm thực của người Việt? Đứng đầu các món ăn Việt xâm chiếm thế giới là Phở. Từ “phở” đã xuất hiện trong các từ điển của Anh, Mỹ, Pháp. Phở đã chinh phục các thực khách ở các nhà hàng ẩm thực các nước. Các tờ báo chuyên trang ẩm thực nổi tiếng nhiều lần chọn Phở là ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam. Người ta gọi Phở là “thức ăn của thượng đế!". Đến nay, nhiều món ăn Việt Nam được yêu thích: Cà phê muối, bánh mì, mì quảng, bánh cuốn, bánh tráng gỏi cuốn, bánh xèo, bún riêu cua… Điều thú vị là trong số 8 món ăn Việt xâm chiếm thế giới có đến 5 món được chế biến từ hạt gạo - thứ nguyên liệu mà hoàng tử Lang Liêu dùng làm bánh chưng, bánh dày thời xưa!
Nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam, bên lề các cuộc làm việc chính thức, các Quốc yến, họ đều muốn được trải nghiệm, thưởng thức Văn hoá ẩm thực Việt. Trên thực tế, Việt Nam đã trở thành Kinh đô ẩm thực trong lòng bạn bè quốc tế. Câu chuyện về Ẩm thực Việt được cả các chuyên gia trong và ngoài nước quan tâm. Nhóm học giả của trường đại học Harvard, Hoa Kỳ khuyến nghị: “Tại sao Việt Nam không trở thành bếp ăn của Thế giới"? Giáo sư Philip Kotler là cha đẻ của lý thuyết marketing hiện đại cũng có gợi ý tương tự. Ông Paul Stoll, tổng giám đốc Công ty tư vấn du lịch quốc tế Celadon nói “Việt Nam còn nhiều tiềm năng để quảng bá những món ăn rất ngon và đặc sắc"... Ông Lý Quý Trung, tổng giám đốc hệ thống nhà hàng Nam An và Phở 24 khẳng định: “Cường quốc ẩm thực là chuyện trong tầm tay! Xét về món ăn, Việt Nam phong phú hơn nhiều (so với Thái Lan). Đâu chỉ có Phở, chả giò, gỏi cuốn, hay những món ăn Huế, Việt Nam còn rất nhiều món thú vị mà chúng ta chưa phát hiện và đánh giá hết".
Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và chuyển đổi số. “Với vị thế địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt, Việt Nam là mảnh đất giao thoa và đối thoại của các nền văn minh lớn, là nơi hội tụ các giá trị văn hoá đông tây kim cổ" (TS Vũ Tiến Lộc), trong đó có Văn hoá Ẩm thực đặc sắc, đó là một tài nguyên lớn. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam (VCCA) trong bài viết "Ẩm thực Việt: Con rồng cần được đánh thức", sau khi phân tích thế mạnh của Ẩm thực Việt Nam, tác giả đã xác định rõ "mục tiêu Hiệp hội hướng đến là khám phá, duy trì và phát triển để đưa Văn hoá Ẩm thực trở thành tài sản quốc gia vào năm 2030, xây dựng các kinh đô, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực Việt". Có thể nói, Việt Nam đã hội đủ các yếu tố cơ bản “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà" cho nền ẩm thực hiện đại Việt Nam vươn mình trong một tương lai gần.
Thông điệp từ quá khứ
Việt Nam là một quốc gia có vị thế đặc biệt. Từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi, nhà văn hoá lớn của Việt Nam, danh nhân Văn hoá thế giới đã khẳng định:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu"
(Đại Cáo bình Ngô)
Đến thời hiện đại, nhà sử học nổi tiếng nước Anh Arnold Toynbee đã có công trình nghiên cứu và đưa ra nhận xét: “Lịch sử thế giới hình thành và tồn tại 38 nền văn minh. Văn minh Việt Nam là một nền văn minh đầy sức sống trong các nền văn minh Đông Nam Á". (Văn hoá Việt Nam truyền thống và hiện đại, trang 85).
Thời đại các Vua Hùng được coi là đỉnh cao thứ nhất của lịch sử văn hoá Việt Nam, trong đó có văn hoá ẩm thực được thể hiện phong phú và sinh động trong văn hoá dân gian. Truyện Bánh chưng, bánh dày kể về vua Hùng thứ 6, sau khi dẹp xong giặc Ân đã nghĩ ngay đến việc chọn người có đủ tài đức để nối ngôi. Điều đặc biệt có ý nghĩa là nhà vua tổ chức cuộc thi ẩm thực tại Kinh đô do chính nhà vua và các quan trong triều làm giám khảo. Kết quả cuộc thi thật bất ngờ. Bánh chưng và bánh dày do Hoàng tử Lang Liêu làm được khen là vừa quen, vừa lạ, là lễ vật ngon, lành, có ý nghĩa nhất đã vượt qua bao nhiêu lễ vật quý hiếm, sơn hào hải vị để giành chiến thắng. Phán quyết của nhà vua là bức thông điệp mạnh mẽ vượt thời gian về tầm nhìn và kế sách trị nước, về giá trị của ẩm thực nước nhà.
“Tôi nghe chuyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau"
Trải qua bao nhiêu biến thiên lịch sử, ngày nay hình ảnh bông lúa vàng lấp lánh trên quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Ẩm thực Việt Nam ngày càng có sức hấp dẫn và trở thành di sản văn hoá phi vật thể đặc biệt.
Việt Nam, hành trình trở thành Kinh đô ẩm thực mới của thế giới
Ẩm thực là kết tinh của văn hoá, con người và vùng đất, là hình ảnh biểu tượng cho một đất nước. Tư duy về ẩm thực Việt Nam theo góc nhìn thương hiệu quốc gia cần hướng tới thương hiệu có giá trị tương thích với giá trị đặc sắc của Ẩm thực Việt Nam - tinh hoa của một đất nước có nền văn hiến 4.000 năm, là một trong số những nền văn minh đầu tiên của nhân loại.
Khái niệm “Kinh đô Ẩm thực” với hàm nghĩa: Việt Nam là nơi hội tụ nhân tài; là nơi kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hoá ẩm thực; là nơi phát triển giá trị kinh tế ẩm thực. Dự án phát triển một nền tảng công nghệ, một hệ sinh thái (VFBE - Vietnam Food & Beverage Ecosystem) cùng viết lên câu chuyện Việt nam, hành trình trở thành “Kinh đô Ẩm thực" mới của Thế giới:
- Hành trình trở thành “Kinh đô Ẩm thực” thế giới là hành trình hội tụ các nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là then chốt. Dự án thúc đẩy một hệ sinh thái kết nối trực tiếp và trực tuyến kết nối nguồn lực trong nước và quốc tế (từ đầu bếp đến các nhà quản lý, từ chuyên gia đến các nhà nghiên cứu, đến các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư…), tạo ra môi trường thuận lợi để gặp gỡ, chia sẻ, truyền cảm hứng của những người có tâm huyết, tài năng và khát vọng cống hiến cho việc phát triển của ngành Nhà hàng, Ẩm thực Việt Nam.

- Hành trình trở thành “Kinh đô Ẩm thực” thế giới là hành trình phát triển kinh tế ẩm thực và thúc đẩy giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị ngành Nhà hàng, Ẩm thực . Hệ quả của việc hội tụ nguồn lực, kết tinh và lan tỏa giá trị văn hoá ẩm thực là phát triển kinh tế ẩm thực. Hệ sinh thái là nơi triển khai các nghiên cứu, các chương trình phát triển năng suất kinh doanh từ các hiệp hội, tổ chức hàng đầu thế giới; kết nối các giải pháp công nghệ thúc đẩy vận hành xuất sắc; kết nối hợp tác, đầu tư, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế… phát triển kinh tế ẩm thực và thúc đẩy giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị ngành Nhà hàng, Ẩm thực Việt Nam, cùng chung tay viết lên câu chuyện Kinh đô ẩm thực.

Các Doanh nghiệp chính là chủ nhân hiện thực hóa chiến lược biến Di sản thành tài sản góp phần vào việc phát triển kinh tế đất nước - Mỗi doanh nghiệp là một kinh đô nhỏ của từng vùng miền, thành phố, địa phương. Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và quốc tế hoá, mỗi doanh nghiệp đang có cuộc cách mạng thật sự thay đổi từ nhận thức đến hành động, đóng góp tích cực trong hành trình đưa Việt Nam trở thành “Kinh đô Ẩm thực" Thế giới - một hành trình thách thức và đầy ý nghĩa! hay nói cách khác “Việt Nam, hành trình trở thành “Kinh đô Ẩm thực" chính là hành trình của mỗi doanh nghiệp!
Hành trình Việt Nam trở thành Kinh đô ẩm thực mới của thế giới là hành trình của Doanh nghiệp.
Ông Chử Hồng Minh
Chủ tịch Chi Hội Nhà hàng Việt Nam (RAV)
Chủ tịch Liên minh Hiệp hội Nhà hàng ASEAN (ARAA)
Đại sứ Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới tại Việt Nam (WFTA)